10+ cách nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm ngon hơn

Ăn dặm có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ, vì ở giai đoạn này cơ thể bé rất dễ bị suy dinh dưỡng nếu như không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ăn dặm còn giúp trẻ hình thành được thói quen ăn uống sau này.

Thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là khi bé được 6 tháng tuổi, đây là thời điểm trẻ bắt đầu phát triển vượt trội hơn. Vì vậy mà mẹ cần bổ sung kết hợp giữa sữa mẹ và thức ăn ngoài để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ trong giai đoạn này.

Khi trẻ được 6 tháng tuổi đồng nghĩa với việc các vi chất, vi lượng trong sữa mẹ cũng giảm dần như sắt, canxi, kẽm trong khi đó nhu cầu sắt, canxi, kẽm trong giai đoạn này của bé lại tăng cao. Nếu chỉ cho trẻ bú mẹ trẻ sẽ thiếu chất trầm trọng và có thể  khiến cho trẻ rơi vào tình trạng thiếu máu hay còi xương.

Công thức nấu cháo ăn dặm cho bé đầy đủ cân bằng dinh dưỡng

Lựa chọn khẩu phần ăn hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy cân nặng cho bé. Bên cạnh đó, mẹ nên biết các món cháo ăn dặm cho bé ở giai đoạn này sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé bên cạnh sữa mẹ. Vì vậy, trong các món cháo cho bé mẹ cần phân bổ các nhóm dinh dưỡng phù hợp để trẻ nhận được đầy đủ chất, tạo điều kiện cho bé có thể hấp thụ tối đa.

Cac món ăn dặm

Một bát cháo ăn dặm của bé 6 tháng tuổi trở đi cần cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm cần thiết, đó là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, trong đó:

  • Chất bột đường: Từ bột gạo hoặc cháo.
  • Chất đạm: Ngoài đạm từ động vật như thịt, cá, tôm, cua, trứng… mẹ có thể dùng các loại đạm thực vật như đậu hũ, đậu hũ non, đậu nành, đậu xanh…
  • Vitamin & khoáng chất từ các loại rau củ quả. Mẹ nên ưu tiên những rau củ quả mềm, dễ tiêu hóa như: khoai lang, chuối, đu đủ, rau mồng tơi, rau dền, cải ngọt, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt…
  • Chất béo: Mỡ động vật (mỡ cá, gà…), dầu thực vật (dầu oliu, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương…).

Ngoài ra, mẹ cũng phải chú ý tỉ lệ thực phẩm để nấu các món cháo ăn dặm cho bé phù hợp với từng tháng tuổi, tránh để bé ăn quá no, hoặc món ăn chứa quá nhiều chất gây cảm giác chán ăn, lười ăn.

Với 1 bát bột hay cháo đầy (chén 200ml) thì cần có: 2 muỗng chất đạm băm nhuyễn, 2 muỗng rau, củ băm hoặc xay nhuyễn, 1 muỗng canh dầu ăn dành cho trẻ. Với liều lượng các nguyên liệu được kết hợp như trên, bé sẽ có một bữa ăn bổ dưỡng, thơm ngon lại rất phù hợp với thể trạng và khả năng hấp thu của cơ thể.

Trong từng giai đoạn ăn dặm thì trẻ có thể ăn các món như sau

  • Giai đoạn trẻ 6 tháng trở lên có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng các món ăn nhẹ, mềm và thanh đạm như: đậu hũ non, bí đỏ, các loại trái cây như chuối, cà rốt luộc nghiền, khoai tây nghiền, súp lơ nghiền,….
  • Giai đoạn trẻ 7 tháng trở lên có thể tập cho trẻ ăn một số món mặn, để trẻ tập quen khẩu vị cũng như bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như: cá đồng lọc sạch xương, thịt gà xay, óc heo, tủy heo, trứng hấp,…
  • Giai đoạn trẻ trên 8 tháng tuổi, có thể tập cho trẻ thích nghi với một số đồ tanh, hải sản: như tôm, cá biển, ghẹ,… Nếu như trẻ bị dị ứng nhẹ với món ăn đó, các bạn có thể tập cho bé ăn bằng cách mỗi ngày cho trẻ ăn một muỗng nhỏ, như vậy trẻ sẽ bớt dị ứng với món hải sản nhỏ. Nếu như trẻ bị dị ứng nặng, Mâm cơm Việt khuyên các bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, để họ tư vấn món ăn phù hợp cho trẻ trong giai đoạn này!
  • Giai đoạn trẻ trên 9 tháng tuổi, lúc này các bạn có thể tập cho trẻ ăn lương thực phụ, đồng thời tiến hành cai sữa cho bé, vì giai đoạn này, sữa mẹ đã không còn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển nữa rồi. Các loại thức ăn nên ăn trong giai đoạn này gồm: Cháo nhuyễn, ngũ cốc, yến mạch, nếu trẻ khỏe mạnh hơn, có thể tập cho trẻ ăn cơm nát cũng được nhé.
  • Giai đoạn trẻ trên 1 tuổi, lúc này trẻ có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm như người lớn. Tuy vậy các bạn cũng nên lưu ý băm nhỏ các thực phẩm dành cho trẻ, vì lúc này trẻ vẫn chưa có thói quen nhai, nên cho trẻ tập ăn bánh quy, cookie để luyện khả năng nhai. Các bạn lưu ý trẻ ăn ngọt hơn mình, nên khi nêm thức ăn, các mẹ cho ít muối, nước mắm vì dễ ảnh hưởng tới gan, thận, và hệ tiêu hóa của con nhé.

Các món cháo ăn dặm giàu dinh dưỡng cho trẻ

Cháo óc heo rau ngót

Sở dĩ món cháo óc heo cho bé được cho là thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng là do nó có chứa một hàm lượng cao omega3 và DHA. Đây chính là 2 chất vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, nhằm giúp cho bé thông minh hơn. Bên cạnh đó, món óc heo còn rất giàu hàm lượng protein, khi nấu cháo ăn dặm cho bé sẽ là nguồn cung cấp năng lượng vô cùng dồi dào cho sự vận động thể chất cho bé.

Cháo óc heo rau ngót

Cháo óc heo rau ngót

Nguyên liệu:

  • 2 muỗng gạo nếp
  • 1/2 bộ óc heo
  • 1 nắm nhỏ rau ngót
  • Dầu ăn, hạt nêm (loại dành cho trẻ)

Cách làm:

  • Gạo vo sạch, ninh cháo.
  • Óc: lột lớp màng bên ngoài sạch sẽ, ướp với ít hạt nêm và dầu ăn. Rau ngót nhặt, rửa sạch rồi đem xay nhuyễn.
  • Khi cháo chín, cho óc heo và rau ngót vào, khuấy đều lên. Nấu nhỏ lửa cho rau ngót chín là được, bắc ra để nguội cho bé ăn.

Cháo lươn cà rốt

Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng, thịt lươn có giá trị dinh dưỡng rất cao, bao gồm chất béo, chất đạm, vitamin A, B1, B6 và vi khoáng như sắt, natri, kali, canxi. Mẹ có thể chế biến thịt lươn món cháo lươn bổ dưỡng cho bé ăn dặm.

Nấu cháo lươn cà rốt

Cháo lươn cà rốt

Nguyên liệu:

  • Gạo tẻ 25g
  • Thịt lươn 100g
  • Cà rốt xay nhuyễn 20g
  • Dầu ăn 1,5 thìa

Cách nấu:

  • Gạo nấu chín mềm cùng với cà rốt xay.
  • Lươn luộc hoặc hấp chín, gỡ lấy thịt, xé nhỏ. Cho lươn vào chảo, đảo qua, nêm dầu ăn và gia vị.
  • Khi cháo nhừ thì cho thịt lươn vào đảo đều, đợi 5 phút rồi tắt bếp.
  • Để cháo hơi nguội (khoảng 2 phút) rồi thêm 1 thìa cà phê dầu ăn và cho bé ăn khi còn nóng ấm.

Cháo thịt gà nấm rơm

Thịt gà là thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều protein, photpho và vitamin B6. Bắt đầu từ tháng thứ 7, mẹ có thể cho bé ăn thịt gà bằng cách chế biến những món cháo thịt gà bổ dưỡng cho bé ăn dặm.

Cháo gà nấm

Nguyên liệu:

  • Thịt gà 50g
  • 50g gạo tẻ
  • Nấm rơm, hành khô
  • Muối, dầu ăn dặm cho bé.

Cách nấu:

  • Thịt gà băm nhỏ. Gạo ngâm sạch rồi đem ninh cháo.
  • Nấm rơm rửa sạch, bóp nhẹ cho ra bớt nước, thái miếng nhỏ vừa bé ăn.
  • Phi thơm hành khô, cho thịt băm vào đảo cho chín tái rồi cho nấm vào đảo chín. Đổ thịt và nấm vào nồi cháo, đun đến khi sôi là được. Mẹ có thể thêm vài cọng rau mùi để trang trí cho đẹp mắt.

Cháo gà bí đỏ

Cháo thịt gà bí đỏ

Nguyên liệu:

  • 50g gạo
  • 50g thịt gà,
  • 2 miếng bí đỏ nhỏ
  • Dầu ăn, hạt nêm

Cách làm:

  • Thịt gà rửa sạch, băm nhỏ, ướp hạt nêm và dầu ăn.
  • Gạo vo sạch, cho vào nồi nước để nấu cháo.
  • Bí đỏ bỏ vỏ và hạt, cắt nhỏ, xay nhuyễn.
  • Xào sơ bí đỏ và thịt gà với 1 muỗng canh dầu ăn
  • Khi gạo chín, cho phần thịt và bí đỏ đã xào vào, khuấy nhẹ và nấu đến khi các nguyên liệu thật mềm.

Cháo gà, cà rốt, hạt sen

Cháo gà cà rốt hạt sen

Nguyên liệu:

  • 1 bát cháo trắng
  • 50g thịt ức gà
  • 20g hạt sen tươi hoặc hạt sen khô
  • 2 khoanh cà rốt
  • Dầu ăn, hạt nêm

Cách làm:

  • Hạt sen luộc cho chín mềm, cà rốt băm hoặc xay nhuyễn.
  • Trong thời gian luộc hạt sen, xào thịt gà, cà rốt cùng với dầu ăn.
  • Cho tất cả hỗn hợp trên vào nấu cùng cháo, đợi cháo sôi thì tắt bếp.

Cháo chim bồ câu hạt sen

Thịt chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại gia cầm. Trong thịt chim bồ câu có chứa hàm lượng protein, tỉ lệ tiêu hóa và hấp thụ rất cao, đặc biệt là hàm lượng chất béo thấp nên được xem phù hợp với chế độ ăn của trẻ nhỏ. Không những thế, các thành phần như vitamin A, vitamin B, vitamin E đều có hàm lượng cao gấp 9 so với các loại thịt dê, thịt bò, thịt gà.

Cháo chim bồ câu hạt sen

 Nguyên liệu:

  • 1 con chim bồ câu
  • 50g đậu xanh
  • 50g gạo tẻ

Cách làm:

  • Rửa sạch chim bồ câu, lọc để lấy phần thịt. Phần xương thì bạn chừa lại để nấu nước dùng.
  • Ướp phần thịt chim bồ câu với chút hạt nêm trong khoảng 30 phút cho thấm gia vị.
  • Gạo rang trên chảo nóng với lửa nhỏ, tránh để gạo bị biến màu.
  • Đậu xanh vo sạch, rồi ngâm trong nước cho đến khi nở mềm thì vớt ra đãi vỏ, rửa lần nữa rồi để ráo.
  • Cho gạo, đậu xanh, thịt chim vào nồi nước dùng, đun lửa nhỏ và hầm cho tới khi cháo chín nhừ thì tắt bếp.

Cháo cua biển cà rốt

Trong cua có chứa nhiều vitamin A, vitamin C, omega 3… giúp bé tăng cường hệ miễn dịch và phát triển tốt về thị giác và não bộ. Những nguyên tố vi lượng khác như kẽm, crom, selen, đặc biệt là canxi sẽ giúp trẻ hoàn thiện răng và chắc khỏe xương. Bên cạnh đó, trong cua có nhiều chất đạm, lượng chất đạm này sẽ bổ sung lượng sữa thiếu hụt trong sữa mẹ hoặc các loại thức ăn khác.

Cháo cua biển cà rốt

Nguyên liệu:

  • 100gr thịt cua lột sẵn
  • 1 củ cà rốt, ngô ngọt
  • 1 ít rau mùi
  • Hạt nêm, dầu ăn cho trẻ

Cách thực hiện:

  • Luộc cua với sả và một ít gừng. Sau đó, mẹ gỡ thịt cua cẩn thận, tránh sót các vỏ cua còn sót lại trong thịt.
  • Xay nhuyễn ngô cùng 90ml nước, lọc bỏ bã, còn nước ngô dùng để nấu cháo cùng với cà rốt.
  • Sau khi cháo đã chín, mẹ hãy vớt bỏ củ cà rốt hầm và cho cà rốt đã băm nhuyễn vào nấu chín.
  • Băm nhuyễn thịt cua, cho dầu ăn vào chảo và phi ½ củ hành khô băm nhỏ thật thơm rồi cho thịt cua vào đảo nhanh tay.
  • Cho cháo ra bát nhỏ, rắc thịt cua lên trên và cho bé thưởng thức.

Cháo tôm và rau dền

Tôm là thực phẩm cung cấp cho bé một lượng lớn vitamin, đặc biệt là vitamin A và D, rất tốt cho sự phát triển xương của trẻ. Bắt đầu từ tháng thứ 7, mẹ có thể cho bé ăn tôm bằng cách chế biến những món cháo tôm bổ dưỡng cho bé ăn dặm.

Cháo tôm rau rền

Nguyên liệu:

  • Tôm bóc vỏ 40g
  • Rau dền 20g
  • Gạo 40g
  • Dầu ăn, gia vị

Cách nấu:

  • Cho gạo vào nấu cháo.
  • Tôm đã bóc vỏ băm nhuyễn.
  • Rau dền rửa sạch, xay nhuyễn.
  • Khi cháo chín thì lần lượt cho tôm, rồi cho rau dền vào khuấy đều đến khi cháo chín nhừ.

Cháo tôm súp lơ

Cháo tôm súp lơ

Nguyên liệu:

  • 1 bát gạo, 150g tôm bóc vỏ lấy chỉ đen luộc chín
  • Nước hầm xương heo hoặc gà
  • 50g bông cải xanh, 1 miếng phô mai, ¼ củ hành tây

Cách nấu:

  • Ngâm gạo trong nước trong 1 giờ rồi vớt ra, ninh cháo với nước dùng.
  • Súp lơi thái miếng nhỏ cho bé vừa ăn.
  • Đun nóng nồi với một chút dầu mè, cho tôm vào xào, thêm chút hạt nêm.
  • Khi cháo nhừ, bạn cho bông cải xanh vào đun sôi. Cho tôm, 1 miếng phô mai vào khuấy tan, nêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.

Cháo ếch rau mồng tơi

Thịt ếch chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng như protein, chất béo, canxi, kali, natri, sắt, vitamin A, B, D, E, canxi. Để kích thích vị giác của con và trị chứng biếng ăn, còi xương mẹ hãy thường xuyên nấu cháo với ếch và thay đổi công thức nấu để con ăn ngon miệng hơn.

Cháo ếch mồng tơi

Nguyên liệu:

  • Gạo 30g
  • Thịt ếch 30g
  • Rau mồng tơi 30g
  • Dầu ăn, nước mắm, hành…

Cách làm:

  • Gạo vo sạch, nấu nhừ thành cháo.
  • Băm nhỏ thịt ếch, xào với 1 muỗng cà phê dầu, hành.
  • Rau mồng tơi rửa sạch cắt nhỏ, xay nhuyễn.
  • Cháo chín nhừ cho rau vào, để sôi lại cho chín rau.
  • Cho thịt ếch vào cháo, nêm lại cho vừa ăn, múc ra chén thêm một muỗng cà phê dầu ăn.

Những lưu ý khi cho bé ăn dặm

  • Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, mẹ nên cho bé ăn dặm bằng bột nấu hoặc cháo ninh nhừ xay nhuyễn cả bã (gạo + thịt). Nhu cầu muối của trẻ dưới 12 tháng tuổi được cung cấp đủ từ thức ăn, hơn nữa chức năng thận của trẻ chưa hoàn thiện do vậy chưa nên cho trẻ ăn mắm muối.
  • Bạn lưu ý cho bé ăn bổ sung theo nguyên tắc: ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc, làm quen từng loại thực phẩm…
  • Đồ dùng nấu ăn cho bé không cần cầu kỳ nhưng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Lựa chọn thực phẩm an toàn để tránh vi khuẩn xâm nhập và gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Mẹ có thể trữ đông nguyên liệu để nấu cháo cho con. Tuy nhiên, không nên nấu quá nhiều cháo và để con ăn dần vì sẽ ảnh hưởng đến mùi vị, chất dinh dưỡng trong cháo. Tốt nhất mẹ nên nấu cho con ăn trong ngày.
  • Bổ sung đầy đủ các vi chất cho con: Sự thiếu hụt một số vitamin B, D hoặc các vi chất kẽm, canxi này sẽ ảnh hưởng tới vị giác của bé, dẫn tới tình trạng chậm tăng trưởng và các rối loạn khác ở trẻ.

Tham khảo thêm sản phẩm hỗ trợ bổ sung các vi chất quan trong cho bé trong giai đoạn ăn dặm như canxi , vitamin…. “TẠI ĐÂY”

Ý kiến của bạn